Cô Tô là một huyện đảo xa đất liền, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền, Cô Tô từng bước đi lên trong mọi mặt và mọi phương diện.
Định hướng phát triển
Định hướng nhất quán để phát triển vùng biển đảo Cô Tô trong giai đoạn tới là: Khai thác và phát huy triệt để những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nắm bắt các cơ hội, thu hút đầu tư để phát triển nhanh, tạo sự bứt phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; từng bước xây dựng Cô Tô thành một vùng đảo có kinh tế phát triển năng động, một căn cứ vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từng bước xây dựng Cô Tô phát triển kinh tế biển.
Phát triển Cô Tô theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển. Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên vùng đảo. Lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, đồng thời lấy bảo đảm quốc phòng an ninh làm tiền đề số một để phát triển kinh tế. Coi trọng phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.
Lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh.
Về mục tiêu cụ thể của Cô Tô từ nay đến năm 2020: Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 18% – 20%/năm; nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 24 triệu đồng hiện nay lên 50 triệu đồng vào năm 2020; phấn đấu cơ cấu kinh tế đến năm 2020: dịch vụ chiếm 50% (riêng du lịch chiếm 35%); tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 15 %; hải sản 30%; nông lâm nghiệp chỉ còn 5%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 20% năm 2013 lên 50% vào năm 2020, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch dịch vụ và chế biến hải sản.
Phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực
Thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tập trung phát triển toàn diện và hiện đại hóa ngành hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch; kết hợp hài hòa giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi biển và dịch vụ nghề cá; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Từ nay đến năm 2020, Cô Tô duy trì tổng sản lượng khai thác hải sản ở mức 8.000 – 10.000 tấn; phấn đấu giá trị gia tăng ngành hải sản đến năm 2020 đạt 160 – 170 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng GDP; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành hải sản đạt 12 – 13%/năm. Từ năm 2014, huyện Cô Tô tiến hành kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng 01 đến 02 cơ sở chế biến thủy sản, xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm, cơ sở chế biến cá đóng hộp, cá khô, mực một nắng, mực khô tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện; phát triển các thương hiệu sản phẩm “mực ống Cô Tô”, “cá duội Cô Tô”, “hải sâm Cô Tô”…
Ốc móng tay – một trong những đặc sản ở Cô Tô
Cô Tô sẽ tập trung phát triển nhanh ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2020 Cô Tô trở thành Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí. Năm 2014, Cô Tô hoàn thành các quy hoạch, nhất là Quy hoạch phát triển du lịch, Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trên địa bàn huyện, phục vụ xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Phấn đấu từ năm 2015 đến năm 2020, thu hút ổn định khoảng 100.000 lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có 5 – 6 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 150 – 200 tỷ mỗi năm; tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân khoảng 25%/năm.
Phát triển đa dạng các ngành theo hướng dịch vụ hiện đại.
Phát triển mạnh và đa dạng các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, những năm đầu tập trung phát triển các ngành dịch vụ nghề cá, cơ khí tầu thuyền, chế biến thủy sản và thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch; xây dựng một số cơ sở duy tu bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ tầu cá tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; kêu gọi đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất nước đá làm bằng nước biển quy mô khoảng 20.000 – 30.000 tấn/năm cung cấp cho các tầu cá. Sau năm 2015, phát triển dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, dịch vụ thương mại, các dịch vụ tài chính ngân hàng, vận tải, thông tin – truyền thông, dịch vụ khoa học, hướng nghiệp, tư vấn kỹ thuật, tư vấn pháp luật, ngoại ngữ, tin học, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội.
Phát triển hạ tầng đô thị biển.
Nắng vàng biển xanh Cô Tô.
Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trên các đảo và giao thông kết nối giữa đảo với đất liền. Năm 2014, huyện Cô Tô tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp đóng mới các tàu cao tốc hiện đại hoạt động đưa đón khách thủy trên tuyến Vân Đồn – Cô Tô, tuyến Hạ Long – Cô Tô. Năm 2015 hoàn thành việc đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá với quy mô 600 tầu, công suất 600 CV; tập trung nâng cấp mở rộng cảng tổng hợp Cô Tô, mở rộng cảng Thanh Lân, nâng cấp các cầu cảng trên các đảo và cải tạo luồng lạch để có thể tiếp nhận tầu đến 500 tấn. Sau năm 2015, xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ cảng như: hệ thống kho bãi, các thiết bị bốc xếp, phòng điều hành, phòng chờ của hành khách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác cảng, tiến tới có thể tiếp nhận tầu trên 5.000 tấn vào cảng. Trước năm 2020, đầu tư xây dựng một sân bay trực thăng tại trung tâm đảo Cô Tô để phục vụ khách du lịch, kết hợp với phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Du khách vui đùa trước biển đảo.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các hồ chứa trên các đảo; mở rộng nhà máy nước tại thị trấn Cô Tô, Thanh Lân; khai thác nước ngầm cục bộ cho từng khu vực nhỏ. Năm 2015 đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho khu vực thị trấn Cô Tô, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ, các khu vực tập trung du lịch, dịch vụ và các khu dân cư tập trung trên các đảo.
Chụp ảnh cưới trên đảo.
Quy hoạch hợp lý các phân khu chức năng gồm: khu vực hành chính, khu vực du lịch – dịch vụ, khu vực sản xuất và dịch vụ sản xuất, khu xây dựng các công trình công cộng, khu dân cư; xác định phạm vi ranh giới cụ thể của từng phân khu chức năng để có biện pháp quản lý hiệu quả; mở rộng quy mô đô thị phù hợp với một Khu du lịch – vui chơi giải trí chất lượng cao; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các khu thương mại khang trang, sạch đẹp, văn minh; triển khai xây dựng các khu du lịch – vui chơi giải trí chất lượng cao, các điểm vui chơi giải trí, công viên cây xanh, các công trình công cộng. Trước năm 2020, hoàn thành việc đầu tư xây dựng, thành lập thị trấn Thanh Lân, nâng cấp thị trấn Cô Tô đạt tiêu chuẩn đô thị loại III với chức năng chính là du lịch – dịch vụ. Sau năm 2020 huy động nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống giao thông nội thị theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao và hình thành đô thị sinh thái biển vào năm 2030.
Huy động nguồn lực đầu tư.
Huyện Cô Tô sẽ tăng cường đề xuất với Tỉnh, các bộ ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn của Chương trình Biển Đông – Hải đảo, nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kinh tế xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến các khu du lịch, khu chức năng trên các đảo.
Tiệc BBQ trên biển.
Huyện sẽ nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền để áp dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cô Tô các chính sách ưu đãi nhất cho các đảo và các khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu; áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa tạo động lực nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài đến đầu tư tại vùng biểnđảo Cô Tô; đề xuất cơ chế để các nhà đầu tư được miễn nộp tiền thuê đất và mặt nước trong mười một năm, kể từ ngày xây dựng hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động đối với mọi dự án đầu tư; miễn tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Leave a Reply