Đến với hòn đảo Cô Tô xinh đẹp, ngoài thưởng thức những món hải sản tươi ngon, ngắm nhìn cảnh biển trời trong xanh vời vợi, du khách còn có cơ hội trải nghiệm câu mực đêm ở ngư trường Cô Tô.
Theo một ngư dân lâu năm trong nghề thì đi câu mực đêm, điều quan trọng nhất là phải biết được hướng gió và chỗ nào mực hay tìm thức ăn mới thả mồi, hiểu tập tính từng loài mực lớn nhỏ, chỗ nào ít chỗ nào nhiều…
Thực ra đồ nghề câu mực rất đơn giản, chỉ là một cuộn dây cước dài khoảng 40m, gắn vào lưỡi câu chùm, phía trên là vật nhỏ có hình con tôm đầy màu sắc làm bằng nhựa phát quang. Để tạo sự hấp dẫn cho mực tập trung lại, thỉnh thoảng phải giật nhẹ dây câu. Khi người câu có cảm giác nặng tay, lúc đó, mực đã dính câu. Nếu dính được mực to thì phải kéo nhã nhặn hơn, chúng thường nhấm nhá con mồi lâu hơn. Thành thử câu mực to phải kiên trì một chút, tay nguời câu mực phải biết cương – nhu nhịp nhàng và đúng thời điểm thì giật lên.
Câu mực đêm trăng phải dựa hoàn toàn vào cảm giác. Cảm giác cũng chính là tiêu chí để phân biệt đẳng cấp của nghề này. Chỉ cần nhận biết được dây câu hơi động đã biết loại mực nào “dính chưởng” rồi.
Gắn bó với nghề câu mực đêm gần 20 năm, anh Lê Văn Xô ở xã Đồng Tiến cho hay: Đối với người hành nghề câu mực đêm, điều đáng sợ nhất là phải đối mặt với những cơn giông và gió lớn bất ngờ trên biển. Giữa biển đêm mênh mông, sóng gió cuồn cuộn, lúc này chỉ biết mặc cho số phận. Do đặc thù công việc, một mình một thuyền, chơ vơ trên biển, những ngư dân ở làng vạn chài này vẫn lặng lẽ thả câu, say sưa đuổi theo đàn mực đến tờ mờ sáng mới trở về.
Một chuyến đi câu mực đêm có thể kiếm được bạc triệu, cứ tưởng nghề này khá lắm. Nhưng thực tế, “chim trời cá nước”, chẳng ổn định. Cả gia đình nhà anh Xô bỏ quê ra đây tròm trèm mấy chục năm nhưng cũng chỉ đủ tiền dựng nhà, nuôi các con ăn học, không tích cóp được nhiều. “Nghề của người nghèo mà. Giữ được mạng, kiếm đủ ăn xem như trời đã thương lắm rồi. Không ai dám mơ làm giàu từ nghề này cả” – Anh Xô tâm sự.
Leave a Reply